Thuật ngữ kinh tế tuần hoàn chính thức được sử dụng từ năm 1990 bởi David W. Pearce và R. Kerry Turner trong cuốn Kinh tế Tài nguyên và Môi trường. Thuật ngữ này được dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, không giống cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống.
Sự ra đời thuật ngữ kinh tế tuần hoàn
Khái niệm kinh tế tuần hoàn sau đó được nhiều bên đưa ra do cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng. Chẳng hạn như, theo Liên minh châu Âu (EU), “Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế mà giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu, tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể, đồng thời giảm thiểu việc phát thải”.
Trong khi đó, thuật ngữ này được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) định nghĩa là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế thừa nhận rộng rãi hơn cả là khái niệm được đưa ra vào năm 2012, bởi Ellen MacArthur Foundation. Theo đó “nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch và thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó”.
Mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Tại Việt Nam, từ những năm 1980 đã có một số mô hình kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, như mô hình vườn – ao – chuồng (VAC). Có thể coi đây gần như là một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dù chưa hoàn thiện và áp dụng chủ yếu ở quy mô nhỏ. Nó cũng bước đầu cho thấy hiệu quả, lợi ích của kinh tế tuần hoàn.
Những năm gần đây, nhiều sáng kiến quản trị doanh nghiệp bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được đề xuất và từng bước triển khai. Ngày càng nhiều doanh nghiệp chú ý, đầu tư cải tiến để từng bước phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, áp dụng các giải pháp xanh hóa sản xuất như sử dụng nguyên liệu bền vững, tận dụng năng lượng sạch, thực hành tiết kiệm năng lượng, xây dựng quy trình thu gom, tái chế…
Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh dẫn đến gia tăng phát thải khí nhà kính, suy giảm chất lượng môi trường, biến đổi khí hậu gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, mô hình phát triển kinh tế tuyến tính đã không còn phù hợp. Kinh tế tuần hoàn trở thành nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu.
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn quan trọng vì nó giúp thúc đẩy phát triển bền vững, đồng thời góp phần thực hiện các cam kết về giảm phát thải, trung hòa carbon, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Mới đây nhất, tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Một số ý thuộc các mục tiêu cụ thể được nêu ra trong Quyết định này:
Góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải KNK trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2025
Đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bắt đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội, công nghệ và môi trường; giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp…
Đến năm 2030, các dự án kinh tế tuần hoàn trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, có năng lực tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo…
Đến năm 2025, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương…
Đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ ở đô thị và 70% rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế…
Bạn có thể xem toàn văn Quyết định số 687/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (ban hành ngày 07/6/2022) tại đây.