Nút Restart nào cho ngành công nghệ Nhật Bản?

Nhật Bản hi vọng các doanh nhân có thể nhen lại ngọn lửa cho ngành công nghệ nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung. Để làm được điều này, phải có cây cầu bắc giữa startup và các doanh nghiệp lớn.

2243606-nut-restart-nao-cho-nganh-0

Ông Taizo Son tại văn phòng đang sửa chữa của Mistletoe

Văn phòng mới của Mistletoe tại Tokyo (Nhật Bản) ngổn ngang các thùng các-tông để phân chia khu vực làm việc tạm thời. Mistletoe là nơi các startup tập hợp cùng nhau để nghiên cứu các dự án mới nhất, khác xa văn phòng công ty truyền thống của Nhật. Đây là mô hình mà Taizo Son, con trai út nhà sáng lập tập đoàn Softbank Masayoshi Son, muốn chứng kiến nhiều hơn.

“Nhật Bản có người tài và các quỹ nhưnglại thiếu hệ sinh thái cần thiết để tạo ra Silicon Valley riêng của mình, đó là thứ chúng tôi muốn cung cấp”, ông Son, người mô tả Misletoe như một chương trình đồng sáng lập các doanh nghiệp mới, cho biết.

Nhật Bản, quốc gia phát minh ra Walkman và tàu siêu tốc trước Trung Quốc, ngày nay lại đang đi sau trong bối cảnh các startup Internet như Alibaba lại vươn lên trở thành các tên tuổi lớn. Nhật Bản hi vọng các doanh nhân có thể nhen lại ngọn lửa cho nền kinh tế nước này khi ngành công nghệ gặp khó khăn.

Chính phủ không ngừng gây quỹ cho các startup, các trường đại học hàng đầu mở các “vườn ươm” và quỹ đầu tư mạo hiểm để biến kho tri thức thành các sáng kiến. Ngay cả những tổ hợp lớn nhất và lâu đời nhất như Mitsubishi và Mitsui cũng đang tìm cách “nuôi nấng” các doanh nhân.

Một số startup đã gặt hái được thành công nổi bật trong vài năm gần đây. Euglena, nhà sản xuất thực phẩm và các ứng dụng từ vi tảo thành lập năm 2005, lên sàn năm 2012, có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Mercari, công ty cung cấp ứng dụng mua sắm peer-to-peer ra mắt năm 2013, vừa gọi được 75 triệu USD đầu tư, nâng giá trị lên hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, theo trung tâm nghiên cứu AVCJ, năm 2015, tổng vốn đầu tư mạo hiểm tại Nhật chỉ đạt 629 triệu USD, quá nhỏ bé so với con số 59,1 tỷ USD tại Mỹ, theo số liệu của Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm quốc gia.

 

2243606-nut-restart-nao-cho-nganh-1

Vẫn còn ít người muốn mạo hiểm với doanh nghiệp trẻ thay vì bỏ việc tại một công ty lớn. Ngay cả khi các “ông lớn” Toshiba và Sharp đang khốn đốn, sự tôn kính các doanh nghiệp lớn đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người.

Yoshiyuki Taguchi, thực tập sinh 22 tuổi tại Slush Asia, là một ví dụ. Dù muốn tiếp tục với Slush Asia sau khi tốt nghiệp, gia đình anh muốn con gia nhập công ty nổi tiếng. Sau 1 tháng tranh luận, anh vào làm tại một công ty tuyển dụng lớn.

Antti Sonninen, Tổng Giám đốc Slush Asia, cho biết Nhật Bản cần nhiều doanh nhân chuyển thành nhà đầu tư để làm hình mẫu. Họ có thể đưa ra các lời khuyên tốt nhất về cách thức xây dựng những công ty thay đổi thế giới tiếp theo.

Đó chính là điều ông Son đang muốn làm qua Mistletoe, công ty hỗ trợ các chương trình đào tạo startup và pitch event (nơi doanh nhân mô tả ý tưởng để thuyết phục nhà đầu tư mua), đồng thời hợp tác với các quỹ nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, từ vận tải đến dân số già.

Ông Son tự gọi mình là một phần trong lứa doanh nhân Nhật Bản đầu tiên khởi nghiệp suốt thời kỳ bong bóng dotcom cuối những năm 1990. Gọi vốn khi đó là một cơn ác mộng vì không có tiền cho người kinh doanh và ngân hàng từ chối cho các doanh nghiệp chưa có tên tuổi vay nợ.

Nhiều thứ đã thay đổi từ đó. Một số công ty vô danh thời đó như Rakuten, DeNa nay đã trở thành cái tên quen thuộc tại Nhật Bản. Số lượng công ty lên sàn chứng khoán cao nhất trong 8 năm trở lại đây.

Các câu chuyện thành công của ông Son bao gồm cả Yahoo Nhật Bản mà ông giúp gây dựng năm 1996 khi vẫn còn là sinh viên Đại học Tokyo. Nay, nó đang sở hữu cổng thông tin lớn nhất nước. Ngoài ra còn có Gungho Online Entertainment, chuyên sản xuất các video có lợi nhuận cao như Puzzle & Dragons.

Sứ mệnh của ông hiện giờ là chia sẻ kinh nghiệm hàng thập kỷ cho thế hệ doanh nhân mới. Trong khi người anh của mình đang đưa gã khổng lồ viễn thông, Internet Softbank, đi “chinh chiến” tại nước ngoài – như thôn tính nhà mạng Sprint của Mỹ năm 2013 hay đầu tư hàng loạt vào Ấn Độ và các khu vực châu Á khác, ông Son dường như hứng thú hơn với việc tiếp năng lượng cho bức tranh startup địa phương từ những ngày đầu.

Theo ông, rất khó để thu hút đủ tài năng cần thiết để mở một startup, vì vậy ông làm việc cùng họ và đưa lời khuyên. Bản thân Misletoe cũng đầu tư trực tiếp vào khoảng 20 startup, trong đó có Fomm Corp, chuyên sản xuất xe điện nhỏ gọn giá rẻ, hoạt động được dưới nước, nhắm đến các thị trường hay gặp lũ lụt như Thái Lan, Indonesia.

Bước tiếp theo là màn ra mắt sản phẩm thành công. “Tại Nhật Bản, khởi nghiệp đang nhận được rất nhiều hỗ trợ nhưng điều quan trọng là thiết lập được cơ sở vững chắc cho doanh nghiệp thương mại hóa các ý tưởng”, Atsuko Nomura, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Nhật, bình luận. “Đó là nơi mà các công ty lớn có thể tham gia nhưng chúng tôi chưa thấy đủ điều đó”.

Với sự tiến bộ của Internet of Things, ông Son nhận định Nhật Bản có tiềm năng lớn. “Các công ty lớn và hùng mạnh của Nhật Bản vẫn đang là ngôi nhà của những công nghệ đặc biệt tiên tiến, mạnh mẽ nhưng họ lại có nhiều rủi ro so với các startup không có gì để mất. Con đường để Nhật Bản phát triển hệ sinh thái riêng độc đáo là phải để cả hai (startup và doanh nghiệp lớn) cùng tồn tại và hợp tác. Chúng tôi muốn là cây cầu đó”.

Theo XALUAN/ Viettimes.com.au

Bạn có quan tâm tới

Gần 90% tổ chức tại APAC sẽ ứng dụng IoT vào năm 2019

Theo dự báo của hãng phân tích thị