Trí tuệ nhân tạo chơi Dota 2 đánh bại con người nhờ… gian lận

Trí tuệ nhân tạo chơi Dota 2 đánh bại con người nhờ… gian lận

Việc AI đánh bại con người trong Dota 2 quả là ấn tượng, nhưng chiến thắng đó lại có phần đóng góp đáng kể bởi những rào cản áp đặt lên game thủ con người cũng như những lợi thế mà con người không bao giờ có được khi so với máy tính.

Vào ngày 5/8, một nhóm bot AI đã đánh bại các game thủ bán chuyên nghiệp là con người trong hai hiệp đấu Dota 2 liên tiếp. Nhóm bot này được gọi là OpenAI Five, được phát triển bởi OpenAI, một tổ chức công nghệ phi lợi nhuận do Elon Musk và Peter Thiel tài trợ, cùng sự góp mặt của nhiều cá nhân và công ty khác.

Dota 2 là một tựa game chiến đấu trong đấu trường trực tuyến nhiều người chơi (MOBA). Hai đội chơi, mỗi đội gồm 5 thành viên sẽ thi đấu với nhau trong một bản đồ rộng lớn với 3 làn đường trên, giữa và dưới, tìm cách tiêu diệt trụ phòng thủ của đối phương và cuối cùng là phá hủy căn cứ của họ.

Nó chơi theo cách khác biệt so với bất kỳ thứ gì chúng tôi từng thấy trước đây” – Austin Walsh, một trong các game thủ Dota 2 bị AI đánh bại cho biết – “Những gì chúng làm đơn giản là hoàn toàn khác biệt. Hướng tiếp cận của chúng gần như phi lý“. Walsh chỉ ra rằng những con bot triển khai nhiều chiến thuật kỳ quặc, như lập nhóm 4 hero (nhân vật trong Dota 2 được gọi là các hero) đi cùng một làn và hi sinh hero còn lại. “Có rất nhiều thứ như vậy. Nó chơi hoàn toàn khác (với con người)“, anh nói.

Khi các tờ báo viết về trận đấu này, họ phần lớn tập trung vào chiến thắng áp đảo của AI. Ví dụ, trang BGR viết rằng “Bot vừa đánh bại các game thủ Dota 2 chuyên nghiệp, và nó thậm chí còn chẳng thể được gọi là một cuộc đấu nữa“, trong khi trang ExtremeTech thì nói rằng “Bot của OpenAI đánh tan nát các game thủ Dota 2 giỏi nhất thế giới“. Có phải AI đã thông minh hơn con người khi thi đấu với nhau trong các trò chơi có tính cạnh tranh hay không? Không hẳn.

Bot trong nhóm OpenAI sử dụng các thuật toán được biết đến như là các mạng thần kinh, vốn nhại lại bộ não con người và “học” cách hoàn thành các tác vụ sau một quá trình huấn luyện và phản hồi. Công ty thực hiện nghiên cứu đã cho AI chơi Dota này theo một khóa “huấn luyện ảo” kéo dài 180 ngày để chuẩn bị cho trận đấu. Tuy nhiên, những con bot phải chơi với một số giới hạn cụ thể.

Dota 2 là một tựa game phức tạp với hơn 100 hero, một vài trong số đó sử dụng những kỹ năng khá lạ và có thể lật ngược kết quả của cả một hiệp đấu. Trong cuộc tranh tài lần này, số lượng hero có thể được chọn bị giới hạn chỉ còn 18. Đây là một con số cực kỳ bất lợi bởi các chiến thuật Dota 2 xoay quanh việc một đội chọn ra một nhóm các hero kết hợp với nhau để “counter” (chống lại) chiến lược của đối thủ. Việc giảm số hero từ hơn 100 xuống còn chỉ 18 giúp mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn với AI.

Bot của OpenAI còn chơi Dota 2 bằng cách đọc trực tiếp thông tin game từ giao diện lập trình ứng dụng (API) của game – vốn cho phép các chương trình khác dễ dàng diễn dịch Dota 2. Nhờ đó, AI ngay lập tức hiểu được game, trong khi người chơi phải nhìn vào màn hình để suy đoán tình huống. Nếu con người làm điều tương tự trong một trận đấu với những người khác, chúng ta có một từ để nói về hành động này: “gian lận”.

Vào tháng 6, một game thủ Dota 2 chuyên nghiệp đã khiến cả đội bị loại chỉ vì sử dụng một con chuột có thể lập trình được. Cách chơi của nhóm bot OpenAI Five không khác gì việc cả đội sử dụng chuột lập trình được, và còn thần giao cách cảm nữa!

“API được thiết kế không để cung cấp cho AI nhiều thông tin hơn một người có thể có. Nhưng AI lại có thể biết những thông tin đó tức thời và hoàn hảo. Chúng cần phải được chuyển sang một hệ thống nhập liệu hoàn toàn dựa trên thị giác. Chúng cần phải chơi trên sân của con người, phải sử dụng mắt” – Mark Riedl, phó giáo sư về AI và học máy tại Cao đẳng Điện toán Công nghệ Georgia nói.

Walsh nói rằng anh để ý thấy những khả năng phi tự nhiên của bot. “Những con bot chơi với sự tự tin với những kiến thức có được. Nó biết mọi người ở đâu, chính xác lực tấn công của bạn là bao nhiêu. Nó biết chính xác lượng sát thương có thể gây ra của 3 hay 4 hero nó có trên một làn và ngay lập tức tận dụng khoảnh khắc bạn mất cảnh giác. Nó biết hết. Và tôi chưa bao giờ chơi theo cách như vậy, xem nó chơi quả là kỳ diệu”.

Ngay cả với lợi thế này của AI, Walsh và đội của anh vẫn đánh bại được bot trong hiệp thứ 3, khi khán giả được quyền chọn hero thay cho hai đội chơi, vô tình khiến AI phải điều khiển một nhóm hero không mấy ăn ý với nhau. Walsh nghĩ anh và đội của mình vẫn có khả năng đánh bại AI trong một trận đấu công bằng, ngay cả khi số lượng hero hạn chế cùng nhiều giới hạn khác.

“Một khi bạn tìm ra cách để đánh bại nó, nó sẽ không thể tự sửa được. Đó là lợi thế của con người. Khi bạn tìm ra một điểm yếu, bạn có thể khai thác điểm yếu đó”.

Riedl nói rằng Go và Dota 2 cho thấy AI sẽ sớm trở nên đủ thông minh để xử lý các tác vụ phức tạp bên ngoài game. “Một trong những thành quả của việc dạy AI chơi game là game tạo ra một môi trường khá giống sự phức tạp của thế giới thực”, ông nói.

Nhưng ông cũng lưu ý rằng game không phải thế giới thực. Game có những luật lệ và những dạng thức phản hồi khác biệt, như điểm số chẳng hạn. Những ranh giới trong game rất rõ ràng và AI được lập trình để hoạt động trong khuôn khổ những ranh giới đó. “Những phần nhân tạo của các game nhằm mua vui cho con người vẫn đang được sử dụng như một vật chống đỡ đối với các nhà nghiên cứu AI” – ông nói.

Nói cách khác, quả là ấn tượng khi xem một con robot chơi cờ vây hay Dota 2, nhưng nó cũng chỉ là một cỗ máy đang chạy các dòng mã mà thôi – nếu bạn khiến nó bất ngờ, nó sẽ gặp vấn đề ngay, và thế giới thực lại không hề thiếu những điều bất ngờ như vậy.

Dù nhiều người phản ứng, nhưng Riedl vẫn hào hứng. “Nó cho thấy một số thứ thực sự rất khó vẫn có thể được xử lý bằng điện toán“.

Theo kenh14.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với