Khinh khí cầu cung cấp internet sử dụng trí tuệ nhân tạo ở Kenya

Dịch vụ cung cấp internet bằng khinh khí cầu đã được triển khai tại Kenya – một quốc gia Đông Phi. Đây là lần đầu tiên có dịch vụ internet khinh khí cầu ở châu Phi cũng như trên toàn thế giới.

Phương thức cung cấp internet mới lạ

Khoảng 7 năm trước, Google tiết lộ đang nghiên cứu để cung cấp internet thông qua những quả khinh khí cầu. Ý tưởng này khiến không ít người tỏ ra hoài nghi. Tuy nhiên, nó đã trở thành sự thật khi vào tuần vừa qua, Loon, công ty con của Alphabet tách ra từ Google đã công bố chính thức triển khai thương mại phương thức cung cấp internet mới lạ này tại Kenya. Theo đó, Loon đã đưa 35 quả khinh khí cầu có kích cỡ tương đương một sân bóng tennis, bay lơ lửng ở độ cao tầm 20km trên tầng bình lưu, cung cấp internet cho một khu vực rộng đến 500.000km2. Khinh khí cầu này được thiết kế và sản xuất để có thể chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt trên tầng bình lưu, nơi gió có thể thổi với vận tốc trên 100km/giờ, nhiệt độ có thể xuống thấp đến âm 90 độ C.

khinh-khi-cau-cung-cap-internet-su-dung-tri-tue-nhan-tao-o-kenya-1Khinh khí cầu cung cấp internet sử dụng trí tuệ nhân tạo, hoạt động bằng năng lượng mặt trời (Ảnh internet)

Cung cấp internet thông qua khinh khí cầu sẽ gặp một vấn đề lớn là chịu sự tác động của gió. Để giải quyết vấn đề này, giúp hệ thống vận hành một cách hiệu quả, các nhà nghiên cứu đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các khinh khí cầu – phương tiện bay của mình. Theo lý giải của Giám đốc điều hành Alastair Westgarth (Loon), mỗi phương tiện bay có thể chuyển đổi luân phiên giữa các chế độ dựa vào vị trí cụ thể. Nó có thể trực tiếp phục vụ người dùng, hoạt động như một liên kết trung gian trong mạng lưới khinh khí cầu hoặc định vị lại khu vực dịch vụ. Nhờ vào trí tuệ nhân tạo, những phương tiện bay này học được cách phải đi đâu, định hướng như thế nào, tìm cách lên và xuống, tìm hướng gió thuận lợi để tối ưu vùng phủ sóng.

Chính vì thế, mặc dù có một đội ngũ kỹ sư chuyên theo dõi khinh khí cầu nhưng chính hệ thống tự động điều hướng các chuyển động của nó. Hệ thống sẽ đưa ra những quyết định cần thiết để giữ khinh khí cầu trên một vị trí mong muốn trong thời gian dài. Năng lượng sử dụng để cung cấp cho khinh khí cầu được tạo ra bởi các tấm pin năng lượng mặt trời. Các tấm pin mặt trời cung cấp năng lượng cho hệ thống vào ban ngày trong khi sạc pin trên bo mạch, cho phép khinh khí cầu hoạt động vào ban đêm. Mỗi khinh khí cầu có thể bay trong 100 ngày trước khi hạ cánh bằng cách bung dù. Một phương tiện bay sẽ cung cấp mạng internet cho hơn 100.000km2, độ bao phủ gấp 200 lần so với một trạm phát sóng trên mặt đất truyền thống.

Độ cao 20km của khinh khí cầu cung cấp internet được cho là độ cao an toàn, đủ để vượt tầm bay thông thường của máy bay thương mại, cũng không ảnh hưởng đến giới quan sát thiên văn.

Lợi thế từ sự linh hoạt

Khinh khí cầu internet có thể di chuyển trong khi các trạm phát sóng mặt đất không thể, điều này mang lại lợi thế cho phương thức cung cấp internet mới lạ này. Bởi lẽ, nó có thể đáp ứng rất tốt trong các khu vực vừa phải chịu thảm họa thiên nhiên khiến các tùy chọn kết nối internet mặt đất bị hỏng hoặc mất tác dụng. Chẳng hạn như, khinh khí cầu internet đã cung cấp dịch vụ khẩn cấp chỉ trong vòng 48 giờ tại Peru sau trận động đất mạnh 8 độ richter xảy ra hồi tháng 5/2019 khiến nhiều thành phố bị mất điện, đường sá bị sạt lở. Hay sau siêu bão Maria năm 2017, khinh khí cầu của Loon cũng đã phát huy lợi thế, giúp cho 200.000 người Puerto Rico có thể kết nối mạng khẩn cấp. Ngoài ra, khinh khí cầu cung cấp internet cũng là lựa chọn hợp lý cho những vùng hẻo lảnh, vùng sâu vùng xa như ở Kenya – một đất nước nằm ở miền Đông châu Phi.

Theo công bố của Loon, internet do khinh khí cầu cung cấp có tốc độ tải xuống (download) đạt 18,9 Mbps, tốc độ tải lên (upload) đạt 4,74 Mbps, với độ trễ 19 mili giây. Với tốc độ này, người dùng có thể thực hiện các cuộc gọi thoại, gọi video, phát sóng video, nhắn tin và duyệt web.

Thông tin từ ông Alastair Westgarth, ngoài Kenya, Loon đã ký thỏa thuận triển khai một dự án tương tự tại Mozambique. Dự án này đang nhận được sự quan tâm của Chính phủ Mozambique và các nhà đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến đa số người dân phụ thuộc nhiều hơn vào internet.

Nguồn: Tổng hợp

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với