“Người có nhiệm vụ cho chó ăn hàng ngày, còn chó có nhiệm vụ không cho người ngoài nào đụng chạm vào máy móc”, PGS. TS. Đặng Nguyên Anh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam dẫn lại một ví dụ về viễn cảnh nhà máy trong cuộc cách mạng 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách chóng vánh mang lại nhiều sự chuyển đổi, tác động đến quá trình phát triển, theo TS. Đặng Nguyên Anh. “Nhiều cuộc chuyển đổi lớn đang diễn ra”, ông nói. Cụ thể, đó là sự chuyển dịch của những nhà máy hay sự biến mất dần của những ngành nghề từng phồn thịnh trong quá khứ.
TS. Nguyên Anh không nghi ngờ chuyện công nghệ mang lại sự thịnh vượng nhưng chính bản thân ông cũng nhận định điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào sự tương thích của từng quốc gia và những cá nhân trong đó. “Ai sẽ nhận được thứ gì? Chúng ta sẽ được hưởng lợi hay chịu thiệt? Cá nhân Việt Nam đang rất hứng khởi, mong có sự chuyển đổi thông qua cách mạng 4.0”, ông nói.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho biết, đối với phần lớn các nước thu nhập trung bình (TNTB), tác động của công nghệ mới có thể được cảm nhận rõ nhất thông qua các công nghệ sản xuất hiện đại, chủ yếu là IoT, tự động hoá và công nghệ in 3D – có khả năng làm thay đổi xu hướng toàn cầu hoá.
Ví dụ như điện toán đám mây có thể làm thay đổi khả năng lưu trữ và thay đổi thông tin hơn trong khi cung cấp khả năng điều phối các công đoạn sản xuất khác nhau một cách có chất lượng hơn, chi phí thấp hơn.
Tăng cường tự động hoá trong cách mạng 4.0 cũng làm mất đi tình cạnh tranh của mức nhân công. Điều này khiến cho một số doanh nghiệp hàng đầu đang di chuyển một số hoạt động thâm dụng lao động quay trở lại các nền kinh tế thu nhập cao, đặt sản xuất gần hơn với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự “hồi hương” này cũng đang bị phóng đại, bằng chứng là các nhà sản xuất Trung Quốc đang ngày càng chuyển sang tự động hoá để giải quyết áp lực trên thị trường lao động….
Dù vậy, WB nhấn mạnh rằng công nghệ tiên tiến là một chuyện, các nền kinh tế TNTB muốn tạo ra đột phá thì phải có khả năng ứng dụng các công nghệ xử lý mới vào các ngành nghề truyền thống, qua đó, làm thay đổi xu hướng của lợi thế cạnh tranh.
Như vậy trọng tâm của cách mạng 4.0 không chỉ là lĩnh vực tự động hoá và robot, kỹ thuật số và IoT, công nghệ in 3D… vì thực tế chúng không phải hoàn toàn mới. Các nước nên quan tâm những đột phá về chi phí, tiến bộ về phần mềm, mô hình kinh doanh mới, sở thích của người tiêu dùng đang thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ. Theo đó, trọng tâm vẫn là con người, được nâng cấp, thích ứng và làm chủ công nghệ một cách sáng tạo.
“Công nghệ và robot không bao giờ là hoàn hảo, chúng không bao giờ thay thế được hết cho con người, chúng ta vẫn còn có chỗ”, ông Nguyên Anh bình luận.
Nguồn cafef.vn