Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, các nhà thiên văn học đã xác định được 50 hành tinh mới bên ngoài hệ Mặt Trời từ kho dữ liệu vệ tinh của NASA.
Khám phá các hành tinh mới, các thế giới xa xôi là điều đã được nhiều nhà khoa học theo đuổi trong suốt thời gian dài. Đó là công việc nặng nhọc và cực kỳ phức tạp. Nhưng với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo với công nghệ học máy, công việc của các nhà nghiên cứu sẽ được giảm đi phần nào.
Nhóm nghiên cứu từ trường Đại học Warwick (một trường đại học nghiên cứu công lập được thành lập vào năm 1965 nằm ở ngoại ô Coventry giữa West Midlands và Warwickshire, Anh) do Giáo sư David Armstrong dẫn đầu đã tìm ra cách khai thác trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ đắc lực cho các nhà khoa học trong nỗ lực khám phá vũ trụ bao la. Sau khi hệ thống kính thiên văn săn ngoại hành tinh Kepker Space Telescope định vị được hàng nghìn ứng viên hành tinh bên ngoài hệ Mặt Trời trong 9 năm trên không gian ngoài thiên hà, các nhà khoa học phải đối mặt với một khối dữ liệu “khổng lồ” và phải sàng lọc rất nhiều dữ liệu để xác định được cái nào là hành tinh thật, cái nào chỉ là tín hiệu giả. Vì nguyên lý hoạt động của kính thiên văn săn ngoại hành tinh là dựa vào sự sụt giảm độ sáng của một vật thể bí ẩn – một dấu hiệu chỉ ra rằng có thứ gì đó đi ngang qua phía trước ngôi sao. Vật thể bí ẩn này có thể là một hành tinh, nhưng cũng hoàn toàn có khả năng chỉ là một đám mây khí bụi, một tiểu hành tinh hoặc hệ thống sao đôi không ổn định, thậm chí là sai sót của camera. Giáo sư David Armstrong và các cộng sự đã tạo ra một thuật toán dựa trên công nghệ học máy với trí tuệ nhân tạo để xác nhận các vật thể bí ẩn này xem có phải là hành tinh không. Theo đó, các nhà khoa học đã cung cấp thông tin được xác nhận về hành tinh thật và tín hiệu giả; hệ thống tự động học hỏi, từ đó phân tích các ứng viên ngoại hành tinh chưa được xác nhận, cũng từ kho dữ liệu của kính thiên văn Kepker. Thuật toán học máy này đã tỏ ra rất hiệu quả khi ngay trong lần phân tích đầu tiên đã xác định được 50 hành tinh mới. Đặc biệt, do là trí tuệ nhân tạo nên nó sẽ không ngừng học hỏi thêm và cải thiện hiệu suất theo thời gian.
Trí tuệ nhân tạo là công cụ đắc lực cho các nhà khoa học trong hành trình khám phá vũ trụ (Ảnh minh họa internet)
Theo nhóm nghiên cứu, bước tiến này mang lại nhiều lợi ích cho ngành khoa học vũ trụ. Việc xác định hành tinh mới bằng trí tuệ nhân tạo giúp các nhà thiên văn học có thể tập trung nguồn lực vào việc khám phá những điều thú vị trong không gian, không bị lãng phí thời gian, nhân lực, vật lực cho những ứng viên hành tinh giả. 50 ngoại hành tinh có kích thước khác nhau, từ lớn như sao Hải Vương đến nhỏ hơn Trái Đất, có hành tinh có quỹ đạo lên tới 200 ngày, một số chỉ kéo dài vài ngày. Khi các nhà thiên văn đã biết được chúng là hành tinh thật, họ sẽ ưu tiên quan sát chúng kỹ hơn. Trong thông cáo báo chí phát đi từ Đại học Warwick, nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để cải thiện thuật toán bằng cách kết hợp những khám phá mới, giúp thuật toán ngày càng tự nâng cao khả năng của chính mình. Điều này sẽ giúp việc xác định các hành tinh mới dễ dàng hơn trong tương lai. Hiện thuật toán của nhóm nghiên cứu có thể xác định hàng ngàn ứng viên hành tinh chưa từng chứng kiến chỉ trong vài giây.
Thuật toán với trí tuệ nhân tạo này hứa hẹn sẽ trở thành công cụ đắc lực giúp các nhà khoa học sàng lọc một cách nhanh chóng kho dữ liệu khổng lồ từ những dự án săn hành tinh khác. Có thể kể đến như dự án Vệ tinh khảo sát các hành tinh ngoài trái đất (TESS) đang hoạt động của NASA, hay kính viễn vọng không gian PLATO của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) – dự kiến sẽ được phóng vào năm 2026. Trong đó, chỉ riêng dự án TESS đã phát hiện tới 2.100 ứng viên hành tinh mới.
Nguồn: Tổng hợp