Học sinh Hà Nội sáng tạo mô hình nhà thông minh giúp thoát nạn khi gặp cháy nổ

Học sinh Hà Nội sáng tạo mô hình nhà thông minh giúp thoát nạn khi gặp cháy nổ

Cao Hoàng Anh (học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia) và nhóm bạn của mình hì hục vẽ, đo đạc, cắt dán, lên ý tưởng xây dựng mô hình nhà thông minh, với hệ thống cảm biến nhiệt độ chống cháy.

Trong trường hợp nếu nhà bị cháy, nhiệt độ tăng đột biến, chuông báo động sẽ kêu, hệ thống phun nước lấy từ bể bơi khởi động các cửa của tòa nhà sẽ tự mở để người phía trong có thể thoát ra ngoài.

Nhóm của Cao Hoàng Anh đưa ra ý tưởng này khi chứng kiến những vụ cháy ở chung cư gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ngoài cảm biến nhiệt độ chống cháy, mô hình nhà thông minh này còn có khả năng tiết kiệm điện năng khi ứng dụng cảm biến ánh sáng, hệ thống chống trộm bằng cảm biến chuyển động.

Theo Hoàng Anh, mô hình tòa nhà thông minh này được thiết kế dựa trên sự kết hợp của các môn học Toán (tính toán độ chính xác của mô hình, xây dựng các thuật toán lập trình), Kỹ thuật (tạo mô hình cơ khí, cắt ghép vật liệu), Công nghệ (lập trình điều khiển bo mạch), Khoa học (cảm biến để đo các điều kiện tự nhiên).

Từ ý tưởng tới hiện thực còn cả một chặng đường dài, nhưng cả nhóm của Hoàng Anh rất quyết tâm thực hoàn thiện trong thời gian tới.

Đó chỉ là một góc sáng tạo, trong số hàng trăm khu trải nghiệm, với nhiều ý tưởng độc đáo tại chương trình Ngày hội STEAM FAIR 2018 tổ chức ngày 24.3 tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của hơn 20 trường học, cùng hàng ngàn học sinh, phụ huynh trên địa bàn thủ đô.

Thư viện thông thái, Bảo tàng tri thức, học viện tí toáy, Công viên tò mò, Siêu thị thương mại là những cái tên được BTC đặt cho các khu vực chính trong ngày hội. Mỗi khu vực là những “phòng thí nghiệm” nhỏ, nơi học sinh đưa ra các ý tưởng và được các cố vấn khoa học hướng dẫn để cùng thực hiện. Hay đơn giản là nơi học sinh được tự tay chế tạo ra những sản phẩm khoa học như kính thiên văn, ống nhóm,nhà thông minh… từ các vật liệu tái chế.

Theo chia sẻ của cô Đặng Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Olympia (1 trong 14 trường học được Hội đồng Anh và Bộ GDĐT lựa chọn dạy thí điểm chương trình STEM), thuật ngữ STEAM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) Art (Nghệ thuật) và Math (toán học). Mô hình này nhằm khơi gợi tinh thần đam mê khoa học trong giới trẻ và giúp học sinh định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Thay vì dạy các môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEAM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Học sinh được tiếp cận kiến thức các môn học trong sách giáo khoa từ góc độ làm thế nào để ứng dụng vào thực tế, để tạo ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống, chứ không chỉ là kiến thức khô cứng trên những trang sách.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, việc đưa giáo dục STEM, hay STEAM vào hệ thống trường học của Việt Nam là tất yếu, phù hợp với xu thế của thế giới. Ông cho rằng, các trường đã thực hiện thành công mô hình giáo dục này có thể truyền lại những kinh nghiệm và giúp đỡ các trường khác cùng thực hiện, để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0.

Theo laodong.vn

Bạn có quan tâm tới

17 mục tiêu phát triển bền vững là gì, ra đời từ khi nào?

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với