Không cạnh tranh được với Apple Siri, Google Assistant, Amazon Alexa, trợ lý ảo Cortana sẽ bị dừng hoạt động trên cả hai nền tảng smartphone iOS và Android từ năm 2021, đồng thời sẽ bị loại bỏ tính năng trên loa thông minh Harman Kardon Invoke và tai nghe Surface Headphone thế hệ đầu tiên.
Thay vào đó, trợ lý ảo Cortana sẽ chỉ tập trung vào hệ điều hành Windows 10 và trở thành tiện ích bổ trợ trong một số ứng dụng phổ biến của hãng công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft, chẳng hạn như Office 365. Với những người đang sử dụng sản phẩm loa thông minh và tai nghe có tích hợp tính năng trợ lý ảo Cortana, mỗi người sẽ được nhận 25-50 USD bằng thẻ quà tặng, do Microsoft đền bù cho việc loại bỏ tính năng này. Như vậy, sau hơn 4 năm ra mắt, Microsoft đã thừa nhận sự thất bại của trợ lý ảo này trong việc cạnh tranh với các đối thủ Siri, Alexa hay Google Assistant. Thay đổi chiến lược, Microsoft hướng trợ lý ảo Cortana trở thành một phần của Microsoft 365, đưa vào các ứng dụng như Outlook, Teams.
(Ảnh internet)
Cortana được trình làng vào hồi tháng 12/2015 dưới dạng ứng dụng miễn phí cho hệ điều hành Android và iOS, cho phép người dùng tìm kiếm bằng giọng nói, tương tác và trò chuyện. Cô trợ lý ảo này có thể đặt lời nhắc, giải đáp các thắc mắc của người dùng bằng thông tin từ máy tìm kiếm Bing (về đa dạng các lĩnh vực như như thời tiết, giao thông, kết quả thể thao, tin tức, bản đồ…). Cortana còn có thể điều khiển các tính năng cơ bản trên máy tính, chẳng hạn như bật/tắt Wifi, thực hiện phép tính, bật/tắt đồng hồ báo thức, kiểm tra cuộc hẹn, phát nhạc, tìm kiếm nhạc… Ngoài ra, nếu người dùng hỏi những câu hỏi giao tiếp thông thường, Cortana gần như có thể trở thành một người bạn để trò chuyện. Từ khi ra đời đến nay, dù được nâng cấp nhiều tính năng và quảng bá rộng rãi, Cortana vẫn không thể giữ được chỗ đứng của mình.
Tuy Cortana bị các đối thủ vượt mặt nhưng Microsoft vẫn chứng tỏ mình là một “anh lớn” trong làng công nghệ khi đang sở hữu trợ lý ảo Xiaoice rất được yêu thích, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Thậm chí, Xiaoice còn được xem là “bạn gái quốc dân” của đông đảo người dùng FA Trung Quốc. Do Viện kỹ thuật Internet châu Á của Microsoft ra mắt vào năm 2014 tại Trung Quốc, Xiaoice nhanh chóng thu hút người dùng và đến nay đã có 660 triệu người dùng. Xiaoice được lập trình như một cô gái tuổi teen, có lúc ngọt ngào, có lúc lấc cấc, luôn lanh lẹ và có cá tính riêng, hành động kiên định, khác những chatbot khác. Xiaoice có thể trò chuyện, viết thơ, hát… với mục đích trở thành người bạn tâm giao với người dùng thay vì chỉ thực hiện công việc theo lệnh. Xiaoice còn có thể viết các bản tóm tắt tài chính với tốc độ rất nhanh.
Ảnh đại diện của Xiaoice (Ảnh: Microsoft)
Sự ngọt ngào và khác biệt của trợ lý ảo đặc biệt thậm chí đã khiến nhiều người dùng nảy sinh tình cảm. Theo thống kê của Microsoft vào năm 2015, khoảng 10 triệu người dùng đã nói “I love you” với cô nàng chatbot AI này. Hồi giữa tháng 7, Microsoft đã tuyên bố sẽ tách Xiaoice thành công ty riêng, sau đó sẽ tăng tốc đổi mới dòng sản phẩm này tại các thị trường đồng thời cải thiện hệ sinh thái các sản phẩm thương mại của nó.
Nguồn: Tổng hợp