Ngày 19/11/2015, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức sự kiện về Internet mang chủ đề “Internet of things” lớn nhất trong khu vực, đem lại cơ hội cho tổ chức, doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, nếu đi đúng hướng, Việt Nam sẽ vượt qua nhiều nước nhờ Internet của vạn vật (IoT), một xu hướng được dự đoán có thể đem lại nguồn doanh thu hàng ngàn tỷ USD chỉ sau 5 năm nữa.
Các diễn giả tại Hội thảo “Ngày Internet Việt Nam 2015” đã cho rằng, Việt Nam có nhiều ưu thế và tiềm năng phù hợp với xu hướng Internet của vạn vật. Muốn phát triển mạnh vấn đề là phụ thuộc vào cơ chế chính sách của Chính phủ” phải phù hợp với xu thế. Ngoài ra, các vấn đề như bảo mật thông tin, riêng tư cá nhân trong kỷ nguyên IoT ra sao cũng sẽ là những vấn đề cần phải tính đến.
Thứ trưởng Bộ TT&TT – Phạm Hồng Hải – CNTT Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trong việc phát triển và ứng dụng IoT
Phát triển IoT cần có hạ tầng mạnh
Từ góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng: CNTT Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng trong việc phát triển và ứng dụng IoT trong thời gian tới. Cùng với một hạ tầng mạng lưới viễn thông, băng rộng đang tiếp tục được đầu tư phát triển, dân số trẻ, yêu công nghệ, Việt Nam đang sở hữu những tiền đề quan trọng, là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến ứng dụng IoT. Bộ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong xã hội. Vì vậy, các doanh nghiệp CNTT-VT, các doanh nghiệp nội dung số “cần sớm nắm bắt được xu thế công nghệ, phát huy sáng tạo, tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển nhiều dịch vụ, ứng dụng IoT có giá trị lớn.
Đồng quan điểm, ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam cho rằng, IoT chính là một hướng đi cực kỳ triển vọng cho các ngành công nghiệp địa phương. Lợi thế vừa qua, Việt Nam ký được Hiệp định TPP, nhân lực công nghệ cao có trình độ và khá đông đảo, đặc biệt là đội ngũ làm phần mềm, kỹ sư rất mạnh, được thế giới đánh giá cao về năng lực, ưu thế về giá thành, chi phí rẻ.
Bên cạnh đó, cơ chế cũng là một rào cản, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt có điều kiện cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp quốc tế chưa nhiều. Hơn nữa, muốn hiện thực hóa và phát triển IoT thì hạ tầng kết nối là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là kết nối di động (3G và 4G). Nếu tốc độ kết nối Internet trong nước chậm thì cũng là một bất lợi.
Theo dự đoán của Qualcomm, những quốc gia, các doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt xu hướng sẽ đem lại doanh thu từ IoT có thể đạt tới 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ BC – VT, ông Mai Liêm Trực cho rằng: Vấn đề khó nhất của Việt Nam hiện nay là cơ chế. “Nhiều cái không cần quản thì ta đang có xu hướng quản quá chặt, vì vậy, không khuyến khích được doanh nghiệp, cộng đồng công nghệ sáng tạo, đầu tư, khiến cho Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khối ASEAN. Nếu tình trạng này diễn biến kéo dài thì rất có khả năng nhiều doanh nghiệp IoT đủ năng lực sẽ phải đi tìm cơ hội ở các thị trường nước ngoài, thay vì phục vụ người dùng trong nước”.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT FPT thì lại nêu ra sự cần thiết phải có của một tư duy và cách tiếp cận mới của doanh nghiệp, của bản thân các nhà làm chính sách trong kỷ nguyên IoT. Theo đó, thế giới thực và thế giới số sẽ trở thành một, mọi doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp số và mọi chi phí cũng đều là chi phí số. Nếu như trước đây doanh nghiệp vẫn nói chuyện sản phẩm, dịch vụ… thì tới đây, họ sẽ phải nói về trải nghiệm số. Nền kinh tế chia sẻ sẽ lên ngôi, mà mô hình của Uber, GrabTaxi chính là những minh chứng rõ nhất. Uber không có hạ tầng cũng chẳng có xe. Nhưng nhờ nền tảng công nghệ, Uber, GrabTaxi đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc và kinh doanh của chúng ta. Để IoT thành hiện thực thì cần có một hạ tầng mạnh, tốc độ cao hỗ trợ nó, nhất là hạ tầng không dây.
Cần phát triển các sáng kiến ứng dụng IoT
Theo kế hoạch, Việt Nam bắt đầu triển khai 4G vào thời điểm 2016, 2017 với băng thông rộng sẽ là điều kiện thuận lợi để xu hướng cho IoT, vì nhu cầu kết nối IoT sẽ rất khác với kết nối smartphone hay tablet truyền thống (cách trao đổi dữ liệu, nhu cầu sử dụng pin khác nhau. Trên thế giới hiện nay công nghệ 4G LTE đang phát triển rất nhanh, với gần 500 triệu thuê bao và hơn 2400 chủng loại thiết bị đầu cuối hỗ trợ.
Xu thế IoT đang tràn ngập khắp thế giới và tại Việt Nam, S.M.A.C với Social (mạng xã hội), Mobility (di động), Analytics (phân tích dữ liệu lớn) và Cloud (điện toán đám mây) đang tạo ra xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực. Một số ý tưởng và sản phẩm về “Internet of thing” đã bắt đầu xuất hiện như nhà thông minh, các thiết bị điều khiển trong gia đình, giao thông…
Mục tiêu, Việt Nam trở thành một trong 70 quốc gia có nền công nghệ thông tin – viễn thông phát triển hàng đầu thế giới. Hạ tầng viễn thông đến năm 2015 sẽ phủ sóng di động băng rộng đến 70% cư dân trong cả nước, triển khai xây dựng cáp quang đến hộ gia đình tại tất cả các khu đô thị mới; 20%-30% số hộ gia đình có máy tính và internet băng thông rộng. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 trở thành một trong 20 quốc gia cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số hấp dẫn nhất thế giới. Các nhà chuyên môn cho rằng, tương lai của nền kinh tế internet Việt Nam là đạt 17%-20% GDP vào năm 2015 và từ 20%-30% vào năm 2020.
Theo Diễm Hương